Tin tức

Bộ Y tế và doanh nghiệp dược đồng hành với tiếng nói chung “Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên hết, trước hết”

31/10/2023 08:56 AM
 
 
Thứ trưởng thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị
 
Tiếp nối thành công của Hội nghị đối thoại giữa Bộ Y tế và doanh nghiệp dược lần thứ nhất, theo chỉ đạo của Bộ Y tế giao Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm) phối hợp với Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ hai vào ngày 26/10/2023 tại thành phố Đà Nẵng. Ông Đỗ Xuân Tuyên Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Thứ trưởng thường trực Y tế chủ trì hội thảo.
 
Sau Hội nghị đối thoại lần thứ nhất của Bộ Y tế với doanh nghiệp dược năm 2022, một số vấn đề đã cơ bản giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất là tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, đặc biệt cấp mới và gia hạn; Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Nhờ đó, đã tháo gỡ được việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, giúp người dân được tiếp cận thuốc nhanh nhất, giá cả phù hợp nhất.
 
Tham dự Hội nghị đối thoại lần này có ông Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng; PGS.TS. Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội AmCham, EuroCham, Pharmagroup... cùng các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực dược tham gia trực tiếp và trực tuyến với gần 700 điểm cầu. Có thể thấy, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp, hiệp hội, đồng thời thành phần tham gia đối thoại cũng đã được mở rộng hơn so với Hội nghị lần thứ nhất.
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã phát biểu chỉ đạo: Bộ Y tế sẽ lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và lựa chọn một số vấn đề cần tập trung ưu tiên xử lý, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời thuốc chữa bệnh cho nhân dân với giá thành hợp lý.
 
 
Thứ trưởng thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên và một số đại biểu tham dự hội nghị
 
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đã bày tỏ sự cảm ơn đến Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các phương diện trong công tác quản lý ngành Dược, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua. Cũng tại Hội nghị, bà Trần Thị Đào đề xuất bốn nội dung kiến nghị Bộ Y tế cần có giải pháp kịp thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp Dược nhằm đảm bảo tính khả thi các mục tiêu của chiến lược phát triển công nghiệp Dược Việt Nam như sau: (i) Gia hạn số đăng ký theo cơ chế tự động; (ii) Ưu tiên thẩm định cấp phép lưu hành đối với thuốc có báo cáo tương đương sinh học; (iii) Rà soát lại Phụ lục VII của thông tư 20/2017/TT-BYT - Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm sử dụng trong một số ngành lĩnh vực và (iv) Triển khai Luật đấu thầu theo hướng Tập trung triển khai các giải pháp để ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
 
Đại diện doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu cũng đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh như: (i) Xuất xứ công thức; (ii) Về công nhận, thừa nhận các nguyên tắc, đêu chuẩn thực hành tốt GMP, GACP; (iii) Về việc chậm công bố danh mục thuốc đã được cấp Giấy Đăng ký lưu hành được sản xuất từ dược liệu đạt GACP; (iv) Đăng ký lưu hành bán thành phẩm dược liệu; (v) Tờ hướng dẫn sử dụng cần được mã hóa QR code.
 
 
Thứ trưởng thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp dược bên lề hội nghị
 
Một số doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét báo cáo Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế cho những loại nguyên liệu, bao bì dùng trong dược phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được để áp thuế nhập khẩu bằng 0%, nhằm giảm giá thành sử dụng thuốc của nhân dân, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước phát triển.
 
Chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, gần đây nhất, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước triển khai thực hiện Quyết định 376/QĐ-TTg của Chính phủ, Bộ Y tế đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, UBND thành phố Hồ Chí Minh để xúc tiến việc xây dựng 2 khu công nghiệp dược tại 2 địa phương này.
 
Hiện tại, Bộ Y tế đang hết sức khẩn trương để hoàn thành Dự thảo Luật Dược sửa đổi, đồng thời cũng dự thảo Nghị định để triển khai thực hiện sau khi Luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua dự kiến vào cuối năm 2024, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, tạo cơ sở pháp lý sửa đổi các thông tư liên quan để giải quyết bất cập, khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, hiện vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do các văn bản này chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sau khi lắng nghe đề xuất của các doanh nghiệp dược, Thứ trưởng thường trực Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ Y tế. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Dược sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua.
 
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, đánh giá đồng bộ tác động những bất cập, không phù hợp của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Dược để xây dựng, ban hành đồng bộ, mang tính ổn định lâu dài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý Dược làm đầu mối tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng kế hoạch để triển khai Quyết định số 1165/QĐ-TTg. Thứ trưởng cũng yêu cầu các Vụ, Cục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
 
Khẩn trương rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Đồng thời, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định; tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế trong sự nghiệp phát triển ngành dược nói riêng và ngành y tế nói chung.
 
Vinapharm là Tổng công ty duy nhất của ngành dược Việt Nam, đang đầu tư góp vốn tại 23 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 5 doanh nghiệp phân phối, 18 doanh nghiệp sản xuất. Vinapharm vinh dự khi được Bộ Y tế giao tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đối thoại lần thứ hai giữa Bộ Y tế và doanh nghiệp dược năm 2023. Hội nghị đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp thành viên của Vinapharm nói riêng và các doanh nghiệp dược Việt Nam nói chung chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh đồng thời đề đạt ý kiến, giải pháp trực tiếp với cơ quan quản lý để tạo một hành lang pháp lý vững chắc, và cơ chế chính sách thông thoáng, để làm nền tảng cho doanh nghiệp dược phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu về thuốc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.