Giới thiệu

HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN

Trải qua hơn 50 năm trưởng thành, gắn liền với từng giai đoạn phát triển của đất nước, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, cùng với các Doanh nghiệp thành viên khẳng định vai trò quan trọng trong cung ứng thuốc phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giai đoạn từ năm 2023 đến nay

6
Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản 471/TTg – ĐMDN ngày 27/5/2023 về việc “đồng ý chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP từ Bộ Y tế về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước”. Ngày 02/6/2023, Bộ Y tế và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP. Đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP hiện nay là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Giai đoạn từ năm 2016 đến 2023

5
Hoàn tất quá trình cổ phần hóa

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Trong giai đoạn này, Tổng công ty Dược Việt Nam đã thực hiện xong cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp thành viên và Công ty mẹ - Tổng công ty Dược Việt Nam. Ngày 08/12/2016, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Ngày 19/5/2017, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM với mã chứng khoán DVN. Từ đây một chương mới đã mở ra đối với Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP. Một Doanh nghiệp cổ phần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sau cổ phần hóa, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP tập trung phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, cùng với các Doanh nghiệp thành viên phấn đấu để trở thành doanh nghiệp hàng đầu về phân phối dược phẩm với trình độ công nghệ cao và có thương hiệu nổi tiếng trong nước nằm trong nhóm các tập đoàn kinh tế/tổng công ty hàng đầu của Việt Nam. Tổng công ty đã và đang thực hiện chiến lược đầu tư phù hợp cùng các doanh nghiệp thành viên nhanh chóng tiếp cận các công nghệ hiện đại, công nghệ mũi nhọn; Đồng thời hỗ trợ các doanh nhiệp thành viên trong việc tìm kiếm, chuyển giao các sản phẩm, đầu tư các Dự án, xây dựng nhà máy sản xuất, đầu tư cho khoa học công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Bên cạnh các nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất kinh doanh, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP thể hiện rõ vai trò là Tổng công ty duy nhất của ngành dược trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính do Nhà nước, Bộ Y tế giao. Trong đại dịch COVID-19, với tinh thần chung tay cùng với Chính phủ và nhân dân cả nước nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Tổng công ty đã chỉ đạo ba công ty con và các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kho hàng để tiếp nhận, bảo quản hàng hóa, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Nhằm góp phần giảm tải các thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận, bảo quản, cấp phát nhanh chóng, kịp thời vật tư, thiết bị y tế và thuốc phòng chống dịch, Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP đã đề xuất và được Bộ Y tế chấp thuận việc Tổng công ty tài trợ toàn bộ chi phí tiếp nhận, lưu kho, bảo quản, chi phí bảo hiểm và các chi phí khác liên quan đến bảo quản hàng hóa, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra Tổng công ty cũng phối hợp với các công ty thành viên, bằng các hoạt động thiết thực đóng góp và tài trợ các vật tư y tế cần thiết cho công tác phòng chống Covid-19 tại các địa phương và đơn vị.

Giai đoạn từ năm 2010 đến 2016

4
Đẩy mạnh việc hợp tác và hội nhập quốc tế

Thực hiện nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ, Tổng công ty Dược Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi thành Tổng công ty Dược Việt Nam - công ty TNHH một thành viên theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con theo Quyết định số 2335/QĐ-BYT ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thị trường đã mở rộng, không chỉ cho các doanh nghiệp Dược Việt Nam mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hoạt động trong khi các doanh nghiệp này có lợi thế cạnh tranh rất lớn về sản phẩm, maketing cũng như tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên đây là cơ hội và là cánh cửa lớn để ngành dược Việt Nam nói chung và các Doanh nghiệp thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam nói riêng đẩy mạnh đầu tư, cải tiến và chuẩn hoá tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nắm bắt được cơ hội này, Tổng công ty Dược Việt Nam và các Doanh nghiệp thành viên đã có những bước chuẩn bị, trong đó tập trung vào việc tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, không những phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Giai đoạn từ năm 1996 đến 2010

3
Cổ phần hóa doanh nghiệp, tăng cường sản xuất và phân phối thuốc, bước đầu tham gia hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm.

Thực hiện Quyết định số 90/TTg ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, Ngày 30/3/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định thành lập Tổng Công ty Dược Việt Nam kế thừa tổ chức, bộ máy, con người và cơ sở vật chất của Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã được giao triển khai ngay Dự án “Quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển ngành Dược Việt Nam từ năm 1996 - 2010” với 11 chuyên đề. Trong giai đoạn này, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp có vốn góp hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như các nghĩa vụ đối với nhà nước, tạo việc làm cho gần mười nghìn người lao động, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tổng công ty đã tích cực giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm, mức tăng trưởng bình quân về doanh thu trong giai đoạn này đạt từ 15 – 18%. Từ năm 2001 trở đi, một số doanh nghiệp bắt đầu thực hiện cổ phần hóa có mức tăng trưởng mạnh về sản xuất, doanh thu sản xuất của các doanh nghiệp này chiếm 60% doanh thu sản xuất của toàn bộ Tổng Công ty. Trong giai đoạn này, Tổng công ty Dược Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa được 10 Doanh nghiệp. Cổ phần hóa đã hình thành nên các công ty cổ phần đa sở hữu, tính chủ động cao, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, cơ chế quản lý minh bạch phù hợp với nền kinh tế thị trường, phát huy vai trò của cổ đông, tạo động lực cho sự phát triển chung của doanh nghiệp và của ngành. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất theo các tiêu chuẩn quốc tế như GMP-WHO, GSP, GDP…
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Tổng Công ty Dược Việt Nam đã hoàn thành là thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá thuốc, dự trữ thuốc quốc gia. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, tiếp tục triển khai các giải pháp cơ bản để bình ổn giá thuốc như: đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cơ cấu, chủng loại, số lượng và chất lượng thuốc, đáp ứng cân đối cung cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường công tác quản lý, tiết kiệm chi phí lưu thông, bảo đảm đủ thuốc chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh.

Giai đoạn từ năm 1982 đến 1996

2
Tăng cường công tác sản xuất, phân phối thuốc trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế

Để phù hợp với mô hình kinh tế trong giai đoạn mới, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị Định 79-HĐBT ngày 04/5/1982 về việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế. Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam bao gồm các công ty, xí nghiệp dược trên toàn quốc, bao gồm các xí nghiệp sản xuất thuốc, các công ty phân phối, xuất nhập khẩu thuốc, công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Để thực hiện sứ mạng trọng trách của mình, Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam đã xây dựng chiến lược ngành dược theo các phương châm: Lấy sản xuất là chính, trong đó sản xuất thuốc thành phẩm được đặt lên hàng đầu, chủ yếu là các thuốc generic, sau đó là các thuốc nhượng quyền và các thuốc từ dược liệu. Lấy dược liệu làm nền tảng: phát huy thế mạnh dược liệu trong nước, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Lấy nghiên cứu khoa học làm mũi nhọn: các đơn vị ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và khai thác ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Lấy xuất nhập khẩu làm động lực: xuất khẩu những dược liệu thế mạnh, các lọai tinh dầu kể cả các thành phẩm độc đáo, tạo ngoại tệ cho nhập khẩu. Nhờ đó, các đơn vị sản xuất đã tự tháo gỡ một phần khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm mặt hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động, tình trạng khan hiếm thuốc đã phần nào được cải thiện đáng kể góp phần cung ứng đủ thuốc thiết yếu cho nhân dân.

Giai đoạn từ năm 1971 đến 1982

1
Thành lập, sản xuất và phân phối thuốc phục vụ công cuộc kháng chiến cứu nước và khám chữa bệnh cho nhân dân:

Ngày 01/4/1971, theo yêu cầu tập trung quản lý nhằm tăng cường sản xuất, phân phối và kịp thời chi viện cho tiền tuyến, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Tổng công ty Dược trên cơ sở sáp nhập Cục phân phối dược phẩm, Cục dược liệu, Cục Quản lý sản xuất và bộ phận kinh doanh sản xuất hàng hóa chất, y dụng cụ, vật tư kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thuộc Cục Vật tư và xây dựng cơ bản.
Được thành lập giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi vào giai đoạn quyết liệt, Tổng công ty Dược chỉ đạo các công ty, xí nghiệp và xây dựng mạng lưới hiệu thuốc, quầy thuốc đảm bảo cung cấp nguồn thuốc thiết yếu cho chiến trường và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Sau khi đất nước thống nhất, Tổng công ty Dược đã tham gia tiếp quản các cơ sở y dược phía Nam, quy hoạch lại hơn một trăm cơ sở bào chế, sản xuất thành hơn mười xí nghiệp. Tổng công ty Dược tập trung điều hành, chỉ đạo các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thêm vùng dược liệu, nghiên cứu, bào chế ra nhiều loại thuốc như thuốc gây mê, hồi sức, một số loại kháng sinh, thuốc chữa đau dạ dày, tim mạch, huyết áp,...

Trong suốt hơn 50 năm xây dựng và phát triển, ở trong bất kỳ một giai đoạn nào, Tổng công ty Dược Việt Nam cùng các đơn vị thành viên cũng luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành Dược và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.