Tin tức

Sự kỳ diệu của lá cây sa-kê giúp khắc chế bệnh tiểu đường (03/11/2014)

03/11/2014 11:15 AM

Thấu hiểu cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường, ông Tá đã dày công nghiên cứu và cho ra đời bài thuốc áp chế căn bệnh quái ác này từ loại dược liệu phổ biến - lá cây sa kê. Bài thuốc quý từ lá sa kê

 Lương y Phạm Như Tá (Số 78 đường Phó Đức Chính, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM) sinh năm 1953 tại tỉnh Phú Yên. Trước năm 1975, ông theo nghề dạy học ở Quảng Nam. Sau đó, ông lập gia đình với một người phụ nữ xuất thân trong gia đình có truyền thống y học. Cũng từ đây, ông chịu những ảnh hưởng về nghề thuốc từ phía gia đình vợ.


Ông chia sẻ: “Khi lập gia đình, tôi được nhạc phụ - Y sư Trần Khiết, nguyên giảng viên, Chủ nhiệm Bộ môn y lý cổ truyền trường ĐH Y dược TPHCM dạy bảo: “Phụ mẫu tồn bất khả viễn du” (Đại ý: Khi cha mẹ còn sống, con cái không nên ở xa). Hiểu nỗi lòng của bậc sinh thành, tôi đã bàn với vợ cùng theo cha học nghề y để tiện chăm sóc các cụ”.

Quyết định gác lại nghề giáo để theo nhạc phụ vào Sài Gòn học nghề là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời lương y Phạm Như Tá. Bắt đầu từ con số “0”, ông cần mẫn học rồi tìm tòi, nghiên cứu những bài thuốc hay trong dân gian.

Thời gian đầu, nhờ sự kiên trì mày mò, ông đã tìm được những bài thuốc đơn giản nhưng cực kỳ hiệu nghiệm trong điều trị bệnh. Chẳng hạn, khi điều trị bệnh sốt ban ở trẻ em, ông chỉ cần chọn lấy một nắm nhỏ lá non của cây chùm ruột (có rất nhiều trong tự nhiên) đem rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước và cho thêm một chút đường hay muối rồi uống. Gặp phải trường hợp trẻ sốt cao, ông lấy bã của loại cây có vị chua này đem chà xát lên người.

Mặc dù khẳng định sự hiệu nghiệm của bài thuốc tiểu đường từ lá cây sa kê nhưng lương y Phạm Như Tá vẫn đưa ra lời khuyên rằng, để có thể chữa được các chứng bệnh đem lại kết quả như mong muốn thì người bệnh nên đến cả Đông và Tây y để được tư vấn và điều trị. 

Ông chia sẻ: “Theo tôi, bất kỳ một thầy thuốc Đông y nào khi khám cho bệnh nhân cũng cần kết hợp giữa Đông và Tây y để bệnh nhân được an tâm. Nếu như bệnh nhân đến điều trị một thời gian mà bệnh không có thuyên chuyển thì thầy thuốc cần phải để bệnh nhân đến cơ sở uy tín khác để khám chữa bệnh. 

Bởi mỗi bác sĩ đều có một chuyên môn nhất định nào đó về các loại bệnh, mình không tìm ra, không chữa được thì nên giới thiệu đến các đồng nghiệp khác để cùng giúp bệnh nhân”.
 
“Bên cạnh những vị thuốc “cây nhà lá vườn”, tôi bắt đầu nghiên cứu các tư liệu, sách chú về y dược. Tôi may mắn được nhiều người quen biết am hiểu về thuốc truyền đat lại kinh nghiệm. 

Sau khi áp dụng và thấy đạt hiểu quả, tôi đã hỏi bố vợ và được cụ chỉ dạy tận tình. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra đã bị nghiệp bốc thuốc lôi cuốn tự lúc nào chẳng hay”, lương y Tá cho biết.
 
Năm 1988, lương y Tá chính thức theo học Trường Y học dân tộc thuộc Trung tâm đào tạo y dược ở TPHCM. Năm 1991, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. 

Ra trường, theo như ước nguyện của cha vợ và cũng là mong muốn được theo học nghề, ông trở thành trợ lý giảng dạy cũng như biên soạn tài liệu sách, cùng Y sư Trần Khiết ngày ngày lên giảng đường đại học. 

Những năm tháng làm học trò của Y sư Trần Khiết, lương y Tá may mắn được thừa hưởng nhiều kiến thức y học quý giá. Cũng nhờ những kiến thức này, ông đã tự nghiên cứu ra bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường từ loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam - cây sa kê.
Lương y Tá cho biết: “Đối với y học hiện đại, bệnh tiểu đường được xem là một trong những chứng bệnh nan y rất khó chữa trị dứt điểm. Đa số khi phát hiện, người bệnh thường đã bị biến chứng ở mức độ rất nghiêm trọng, gây nguy cơ tử vong cao. Trong Đông y từng ghi nhận nhiều loại thảo dược có tác dụng với căn bệnh này nhưng tôi đặc biệt chú ý tới cây sa kê.
 
Lá cây sa kê có công năng hiệu quả trong việc khắc chế bệnh tiểu đường. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cũng có thể dùng vị thảo dược này điều trị rất hiệu quả”.
 
Lương y Tá hướng dẫn cách chế biến bài thuốc từ loại lá cây này như sau: “Lấy lá sa kê tươi 100g (khoảng 2 lá), quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g, cho vào nồi nấu lấy nước uống hàng ngày”. Ông cho biết thêm, tùy tình trạng bệnh của bệnh nhân mà sẽ có sự điều chỉnh, gia giảm thuốc sao cho phù hợp để có hiệu quả hơn. Theo lương y, mỗi bệnh nhận nên uống bài thuốc từ lá sa kê chia làm hai đợt, mỗi đợt kéo dài 10 ngày.
Sau đó, bệnh nhân nên đi xét nghiệm để kiểm tra nồng độ đường trong máu đã trở lại bình thường hay chưa. Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cần có chế độ tập luyện phù hợp và thực đơn ăn kiêng dành cho người bị bệnh đái tháo đường.
 
Loại cây chúa nhiều công dụng

Theo lương y Phạm Như Tá, cây sa kê tên khoa học là Artocarpus altilis, còn gọi là cây bánh mì, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae) được trồng nhiều ở Malaysia và các đảo ở Thái Bình Dương. Cây được , trồng nhiều ở miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Các bộ phận quả, rễ, lá, vỏ và nhựa của cây có nhiều dược tính nên đều được sử dụng   làm thuốc trị bệnh.
 
Ngoài bài thuốc tiểu đường, lương y Tá còn dùng cây sa kê để chữa bệnh gút, sỏi thận, viêm gan vàng da. Ông hướng dẫn bài thuốc này như sau: “Đối với bệnh gút, sỏi thận: Dùng 100g lá sa kê già nhưng còn tươi, 100g dưa leo, 50g cỏ xước khô. Cho ba vị này vào nấu chung rồi lấy nước uống. Đối với bệnh viêm gan vàng da: lá sa kê tươi 100g, diệp hạ châu tươi 50g, củ móp gai tươi 50g, cỏ mực khô 20-50g được nấu chung với nhau và lấy nước uống trong ngày”.
“Ngoài ra, lá sa kê còn thường được đốt thành than, tán mịn, phối hợp với dầu dừa và nghệ tươi đem giã nát, làm thành bánh để đắp chữa mụn rộp. Loại lá này cũng được kết hợp với lá đu đủ tươi với số lượng bằng nhau được giã với chút vôi cho đến khi có màu vàng dùng để đắp chữa sưng háng, áp xe, mụn nhọt”, ông Tá cho biết thêm.
Về bài thuốc trị tiểu đường đơn giản từ lá sa kê của ông Phạm Như Tá, lương y Vũ Quốc Trung (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền chùa cảm ứng, Hà Nội) cho rằng: “Trong Đông y, thịt của cây sa kê có tính làm dịu, sát khuẩn, dùng để trị ho, hen suyễn, có tác dụng bổ tỳ, ích khí, hạt giúp bổ trung ích khí,  lợi trung tiện, vỏ cây có tính sát trùng. Lá của loại cây này có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, lợi tiểu.
Trên thực tế, một số thầy thuốc Đông y có dùng loại lá cây này để điều trị bệnh tiểu đường nhưng vẫn là dựa trên kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm bản thân chứ chưa có một nghiên cứu khoa học nào”.
Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội thì cho biết, ông chưa nghiên cứu những tác dụng của cây sa kê nên chưa biết thực hư tác dụng của loại cây này cũng như bài thuốc của lương y Phạm Như Tá ra sao. “Để đánh giá công dụng của bất kì bài thuốc nào cũng cần kiểm nghiệm thực tế”, ông Hướng cho biết.