Tin tức

Đại hoàng - Vị thuốc đa dụng (20/05/2015)

20/05/2015 08:41 AM

Đại hoàng (Rhizoma Rhei) là rễ của cây đại hoàng (Rheum palmatum L. hoặc (Rheum officinale Baillon), là vị thuốc được sử dụng từ lâu trong Đông y.

 Đại hoàng (Rhizoma Rhei) là rễ của cây đại hoàng (Rheum palmatum L. hoặc (Rheum officinale Baillon), là vị thuốc được sử dụng từ lâu trong Đông y.

Đại hoàng chứa các dẫn chất anthranoid: chrysophanol, emodin, physcion,... mang tính chất tả hạ (gây đại tiện lỏng). Tuy nhiên, các thành phần anthraglucosid trong đại hoàng có sức tả hạ mạnh, nếu bị thủy phân thì sức tả hạ giảm đi. Do vậy khi sắc thuốc, cần tránh đun trong thời gian kéo dài.

Theo YHCT, đại hoàng có vị đắng, tính hàn, quy vào các kinh tỳ, vị, đại tràng, tâm bào và can. Qua chế biến, tính vị của đại hoàng có thay đổi. Khi chích giấm, vị của nó hơi chua, vào kinh can để tăng tác dụng lợi mật; chế với mật ong thì có vị hơi ngọt, tăng tác dụng vào tỳ vị...; sao cháy tăng tác dụng cầm máu. Đại hoàng có công năng thanh tràng thông tiện, tả hỏa giải độc, trục ứ thông kinh. Liều dùng chung là 4-16g, dạng sắc, hoặc bột. Phụ nữ có thai, hoặc lúc có kinh nguyệt không nên dùng.

Ðại hoàng được dùng làm thuốc trong các trường hợp

Vị tràng thực nhiệt dẫn đến đại tràng bí kết, táo bón nặng, thậm chí có khi dẫn đến sốt cao, nói mê sảng, phát cuồng: đại hoàng (sao vàng), hậu phác mỗi vị 9g; mang tiêu (natrium sulfuricum) 15g; chỉ thực 6g (sao vàng xém cạnh). Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống trước bữa ăn khi thuốc còn ấm. Uống liền vài ngày tới khi hết táo bón.

Nếu táo bón nhẹ hoặc táo bón ở những người sức khỏe yếu, người cao tuổi, phụ nữ sau sinh: đại hoàng (sao vàng), hậu phác, mỗi vị 9g; chỉ thực 6g; hoặc đại hoàng 6g; hỏa ma nhân 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trước bữa ăn, khi thuốc còn ấm. Uống liền vài ngày tới khi hết táo bón.

Người bị táo bón mạn tính, táo bón do nghề nghiệp: đại hoàng (sao vàng) 45g; đào nhân 20g; mộc hương, chỉ thực, sài hồ, cam thảo, mỗi vị 15g. Các vị nghiền bột mịn, thêm mật ong làm hoàn, chia 2 lần uống sáng và tối, mỗi lần 6g. Hoặc uống ngày 1 lần 9g với nước hãm chỉ thực hoặc chỉ xác. Cần lưu ý rằng, để tăng nhu động ruột và làm cho đại tiện thông suốt, bao giờ đại hoàng cũng được dùng kèm với chỉ thực, hoặc chỉ xác: đại hoàng phi chỉ xác bất thông; có nghĩa là đại hoàng làm phân nát ra, song để tống ra ngoài cần phải có chỉ thực hoặc chỉ xác, là những vị thuốc có tác dụng làm tăng nhu động ruột.

Lưu ý: khi dùng đại hoàng trị táo bón không nên dùng thời gian dài, sẽ gây táo bón trở lại; vì trong đại hoàng ngoài các chất gây tẩy còn có các chất tanin gây sáp trường, săn se niêm mạc ruột.

Trị nôn ra máu, chảy máu cam, trĩ ra máu, màng kết hợp sung huyết, sung huyết não, lợi bị sưng phù: đại hoàng (sao cháy); hoàng cầm, hoàng liên, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trước bữa ăn. Uống liền nhiều ngày tới khi các triệu chứng giảm.

Trị mụn nhọt ở miệng, lưỡi, lỗ mũi, nhọt vú...: đại hoàng (chích rượu) tán bột mịn, uống mỗi lần 9g, ngoài ra có thể dùng bột đại hoàng hòa vào nước làm thành dạng nhão, bôi vào nơi bị bệnh.

Trị kinh nguyệt bế tích; sau đẻ máu xấu bị ứ tích, gây đau bụng; ngã, chấn thương ứ huyết sưng đau: đại hoàng 9g; ngưu tất, ích mẫu, mỗi vị 12g. Sắc uống.

Trị bỏng lửa: đại hoàng (sao cháy) nghiền bột mịn, rắc vào vết thương, hoặc trộn đều vào dầu khuynh diệp, bôi vào nơi bị bỏng nhẹ.