Tin tức
Tự mua thuốc OTC để giảm đau có an toàn không? (Ngày 09/02/2022)
Đau là một triệu chứng rất thường gặp. Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the Study of Pain - IASP) định nghĩa: "Đau là một cảm giác khó chịu và sự chịu đựng về cảm xúc, chủ yếu đi kèm theo tổn thương thực sự hay tiềm ẩn của tổ chức hoặc mô tả như là tổn thương tổ chức". Đây cũng là triệu chứng liên quan đến nhiều bệnh lý, chấn thương... là lý do sử dụng các thuốc giảm đau.
Khi có cơn đau từ nhẹ đến vừa, ví dụ như đau đầu, đau mình mẩy, đau cơ... người bệnh ngại đi khám nên thường tự mua các thuốc giảm đau không kê đơn về dùng.
Thuốc giảm đau không kê đơn thường được người dân tự mua sử dụng
2. Quan niệm sai lầm phổ biến về thuốc giảm đau không kê đơn
Hầu hết mọi người nghĩ rằng mọi loại thuốc giảm đau đều là paracetamol (được bán rộng rãi dưới nhiều nhãn hiệu, tên gọi khác nhau) và có thể dùng để điều trị bất kỳ loại đau nào trên cơ thể.
Sự thật là, paracetamol không phải là một giải pháp phù hợp với tất cả các loại đau hoặc là một giải pháp giảm đau nhanh chóng. Mặc dù paracetamol không gây nghiện, nhưng dùng quá liều sẽ không giúp giảm đau nhiều hơn, mà còn gây độc cho gan, nhất là những người có sẵn bệnh về gan.
3. Khi nào có thể tự dùng thuốc để giảm đau?
3.1 Đối với cơn đau nhẹ đến trung bình (như đau đầu, đau mình mẩy, đau cơ trong cảm lạnh, cảm cúm...): Bạn có thể dùng paracetamol, aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid -NSAID (không phải salicylate) như ibuprofen...
-Paracetamol có tác động giảm đau theo cả cơ chế ngoại vi và trung ương. Paracetamol không được khuyến cáo dùng trong các trường hợp đau do viêm vì thuốc hầu như không có tác dụng chống viêm, ngược lại với aspirin và NSAID. Hai chống chỉ định chính của paracetamol là quá mẫn với thuốc và suy giảm chức năng tế bào gan.
-Aspirin (acid acetylsalicylic) vừa là một thuốc hạ sốt, chống viêm, vừa là một thuốc giảm đau được chỉ định trong các trường hợp đau mức độ nhẹ đến trung bình.
Thuốc được sử dụng khá phổ biến trong bệnh thấp khớp để điều trị các triệu chứng viêm và đau. Tuy nhiên những người quá mẫn với thuốc; bệnh nhân có tiền sử hen do sử dụng salicylat hoặc các thuốc có cơ chế tác dụng tương tự bao gồm NSAID; bệnh nhân có loét dạ dày tá tràng giai đoạn tiến triển... chống chỉ định (không dùng) aspirin.
Aspirin cũng có một số tác dụng không mong muốn:
Trên tiêu hóa như: Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài ra máu...);
Trên hệ thần kinh trung ương (thường là dấu hiệu của quá liều) như: Nhức đầu, chóng mặt, giảm chức năng thính giác, ù tai...
-Các NSAID không phải loại salicylate thường được sử dụng đầu tay với liều cao để đạt hiệu quả chống viêm và liều thấp hơn trong các trường hợp đau nhẹ và trung bình như: Đau răng, đau đầu, đau nửa đầu, đau do chấn thương nhẹ, đau vùng tai mũi họng... Tuy nhiên, các thuốc này cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn như:
Trên tiêu hóa: Đau thượng vị, khó tiêu, buồn nôn, nôn, loét và xuất huyết tiêu hóa (hiếm gặp).
Trên thận: Cần lưu ý, độc tính trên thận của các thuốc NSAID có thể là nguyên nhân gây tổn thương cơ quan dẫn đến suy thận không hồi phục (khác với các trường hợp suy thận chức năng).
Trên hô hấp: Cơn hen, co thắt phế quản, suy hô hấp cấp, phù phổi, đặc biệt là ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Trên tim mạch: Có thể làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp đang được điều trị và giảm tác dụng của thuốc hạ huyết áp.
Trên da: Có thể xuất hiện mề đay, phát ban, ngứa...
3.2 Đối với cơn đau trung bình đến dữ dội: Điều này thường phải dùng thuốc giảm đau theo đơn (opioid), vì vậy, cần phải đến gặp bác sĩ, người bệnh không tự ý mua dùng các loại thuốc này.
3.3 Đau liên quan đến dây thần kinh: Người bệnh không tự dùng thuốc, cần đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau phù hợp.
4. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)
4.1 Cần xem xét tuổi của người bệnh và loại đau bạn đang trải qua:
Có phải do chấn thương thực thể không?
Có bị viêm hay liên quan đến thần kinh không?
Vị trí của cơn đau cũng quan trọng vì nó sẽ giúp bạn quyết định hình thức điều trị (uống, bôi, xịt hoặc dán)...
4.2 Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và làm theo hướng dẫn về liều lượng, cách dùng... được nhà sản xuất khuyến cáo.
4.3 Lưu ý các bệnh tiềm ẩn: Nếu bạn có bất kỳ bệnh dị ứng, bệnh tiềm ẩn và các yếu tố nguy cơ như bệnh tim và kích ứng dạ dày...
4.4 Cần lưu ý về các tác dụng phụ của thuốc, nếu xảy ra (thoáng qua rồi hết) không cần ngừng thuốc. Nếu xảy ra trầm trọng và/hoặc kéo dài cần ngừng thuốc và đi khám.
4.5 Không dùng quá liều chỉ định: Điều quan trọng là đảm bảo rằng không có sự trùng lặp của các loại thuốc giảm đau. Nghĩa là không dùng hai sản phẩm giảm đau nhưng có cùng hoạt chất. Sự kết hợp thuốc này có thể làm tăng nguy cơ quá liều, gây hại. Cần dùng đúng liều chỉ định theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
4.6 Hãy luôn tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ hoặc dược sĩ (nếu không chắc chắn) để việc dùng thuốc được an toàn.