Tin tức

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Amiăng với sức khoẻ". (18/07/2014)

18/07/2014 03:29 PM

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Amiăng với sức khoẻ".

 

Tham dự và đồng chủ trì hội thảo có GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế,  Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng.

Tham dự hội nghị còn có đại diện của Văn phòng Chính phủ, đoàn đại biểu Quốc hội các  tỉnh, lãnh đạo một số Vụ/Cục cơ quan Bộ Y tế, Khoa học và công nghệ, Giao thông Vận tải; các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, Viện nghiên cứu bệnh liên quan đến amiăng, các hội nghề nghiệp…   

 Amiăng là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động, gồm 2 nhóm:

Nhóm  Serpentine: Chrysotile (amiăng trắng) có sợi dạng xoắn và là loại duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay.

Nhóm Amphibole gồm: actinolite, amosite (amiăng nâu), crocidolite (amiăng xanh), tremolite, anthophylite. 2 loại amiăng màu là xanh và nâu chủ yếu khai thác tại Nam Phi đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông trên thị trường từ cách đây 20 năm…

Có khoảng trên 300 sản phẩm thương mại có sử dụng amiăng, được sử dụng cho công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy…amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân…

Theo Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, tất cả các loại amiăng là hóa chất gây ung thư thuộc nhóm 1 và đã được minh chứng trên 40 năm nay. Đã có 143 nước đồng ý đưa amiăng trắng vào danh mục các hóa chất độc hại. Các bệnh do tiếp xúc với amiăng trên thế giới ngày một tăng và ở Việt Nam đã xác định số lượng ung thư trung biểu mô tăng dần qua các năm. Công tác an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất và môi trường tại cộng đồng dân cư có sử dụng amiăng chưa đảm bảo. Các quy định quản lý amiăng và chất thải chứa amiăng chưa phù hợp.

 Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật vì các bệnh có liên quan đến Amiăng như: ung thư phổi, bụi phổi..

Amiăng là chất gây ung thư, ước tính gây ra nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô cao ở nhóm người tiếp xúc với Amiăng trên 30 năm. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khỏe của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống tiếp xúc với Amiăng.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết WHO và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế khuyến cáo Amiăng là một chất có khả năng gây ung thư và các bệnh về phổi. Amiăng là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. 

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp, trong đó có các bệnh liên quan đến Amiăng đã được đưa vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Về lâu dài cần cấm sử dụng Amiăng để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.