Tin tức
Ngành Y chống quá tải bệnh viện: Gần 5.000 giường bệnh được tăng cường (09/01/2015)
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Y tế đặt vấn đề chống quá tải bệnh viện là nội dung ưu tiên hàng đầu trong chương trình công tác, đồng thời đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đến nay, công tác giảm tải đã đạt được một số kết quả nhất định.
Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm tải đáng kể do ngành Y đã triển khai nhiều giải pháp chống quá tải.
Nhiều bệnh viện không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép
Các bệnh viện tuyến Trung ương đã tăng hơn 4.800 giường tương đương với 24,6% tổng số giường bệnh như: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tăng 600 giường bệnh; Bệnh viện K (tại Tân Triều, Hà Nội) tăng 700 giường bệnh; Bệnh viện Nội tiết Trung ương tăng 500 giường bệnh…
Từ năm 2013, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đầu tư cơ sở 2 của một số bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh.
Cuối năm 2014, đã có thêm 3 bệnh viện được khởi công xây dựng với tổng quy mô 3.000 giường bệnh. Đó là công trình Bệnh viện Nhi Đồng tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Việt Đức - cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam). Đây là 3 bệnh viện nằm trong Đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng là 3 trong số các bệnh viện được đầu tư xây mới, hiện đại nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, một số bệnh viện đang trong giai đoạn hoàn thiện, sắp đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục tăng thêm từ 1.200 giường bệnh…
Thực hiện mục tiêu tăng số bệnh viện và số giường bệnh của Đề án giảm quá tải bệnh viện, trong thời gian qua ngành Y tế đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh. Số bệnh viện được xây mới, mở rộng đáng kể, với tổng số 115 bệnh viện công lập, tăng đáng kể số giường bệnh (25.700 giường bệnh) so với trước khi tiến hành thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện (năm 2012).
Hiện tại số giường bệnh/vạn dân thực kê tại ba tuyến Trung ương, tỉnh, huyện (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập và y tế ngành) là 28,1 giường, tăng được 3,4 giường bệnh/vạn dân so với năm 2012 (24,7 giường bệnh/vạn dân).
Tăng cường triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh và bác sỹ gia đình
Theo báo cáo của các Sở Y tế có bệnh viện vệ tinh, đến nay đã có 11 bệnh viện vệ tinh giảm được tỉ lệ chuyển người lên bệnh viện tuyến trên gồm: Bệnh viện A Thái Nguyên; Bệnh viện Bãi cháy Quảng Ninh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình… Ngoài ra, công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cũng được đẩy mạnh.
Ở tuyến tỉnh, hiện nay Bệnh viện Nhi Hải Phòng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thực hiện được kỹ thuật can thiệp tim mạch cho trẻ em. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Nghệ An... đã chữa nhiều bệnh nhân ung bướu.
PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện hạt nhân cho 7 bệnh viện vệ tinh. Nhờ đó, các bác sĩ của bệnh viện tuyến tỉnh được nâng cao trình độ, làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Bệnh nhân được điều trị ngay tại tỉnh nhà, không phải chuyển về bệnh viện tuyến Trung ương phần nào tiết kiệm chi phí điều trị và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai giảm chuyển viện lên tuyến trên từ 7% xuống còn 2%; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình từ 13% xuống còn 4%; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh giảm từ 5% xuống còn 1%...
Thực hiện Đề án bác sỹ gia đình, đến nay tại 8 tỉnh, thành phố trong phạm vi Đề án đã thành lập và và củng cố, kiện toàn được 97 phòng khám bác sĩ gia đình với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được đảm bảo phục vụ chăm sóc người bệnh. Tại 3 địa phương là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế có tổng số 649 nhân viên y tế tham gia hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó có 186 bác sĩ, 186 điều dưỡng, 74 nữ hộ sinh, 201 cán bộ y tế khác.
Năm 2013, tại 3 địa phương này đã thực hiện quản lý 29.174 hồ sơ sức khỏe, khám sàng lọc được 41.084 lượt, trong đó phát hiện được 102.588 ca bệnh tật, chuyển viện 1.750 ca. Hiện nay, việc phát triển bác sỹ gia đình đang được các địa phương đẩy mạnh để trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hệ thống y tế Việt Nam.
Báo cáo của 57/63 tỉnh, thành phố cho thấy, các bệnh viện tuyến tỉnh đã cử 4.661 các cán bộ đi tập huấn luân phiên hỗ trợ bệnh viện huyện, chuyển giao 3.299 lượt kỹ thuật, tổ chức 2.799 lớp tập huấn; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho 57.937 lượt cán bộ y tế tuyến huyện.
Các bệnh viện huyện đã cử 11.261 lượt cán bộ y tế hỗ trợ khám, chữa bệnh cho nhân dân tại trạm y tế xã, đồng thời tổ chức chuyển giao cho 8.073 lượt kỹ thuật, thủ thuật; 3.589 lớp taaph huấn cho 64.724 lượt cán bộ y tế tuyến xã. Thực hiện đề án 1816, 35 bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã cử cán bộ đi tập huấn luân phiên hỗ trợ 108 lượt bệnh viện tuyến tỉnh; chuyển giao cho 292 lượt kỹ thuật, tổ chức 148 lớp tập huấn; đào tạo nâng cao năng lực cho 4.664 cán bộ y tế tuyến dưới./.