Tin tức

Hội thảo rà soát tình hình triển khai Thông tư số 35/2011/TT-BYT và đáp ứng của ngành y tế đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (29/09/2014)

29/09/2014 08:46 AM

Ngày 26/9, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo đánh giá về tình hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) và đáp ứng của ngành y tế.

 Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, sau 3 năm thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT về thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT đang được hoàn thiện. Cả nước có 4 bệnh viện nòng cốt chuyên chăm sóc và phục vụ sức khỏe NCT; 46/63 tỉnh thành đã thành lập được Khoa Lão khoa. Hơn 2 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; hơn 1,7 triệu người được lập sổ theo dõi sức khỏe. Hầu hết các bệnh viện đều có chính sách ưu tiên khám và chăm sóc sức khỏe  đối với NCT….

Hiện Việt Nam đang ở trong thời điểm dân số vàng, song cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số, với 10,5% dân số là NCT và được đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Người cao tuổi Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính, đồng thời các bệnh mới đang xuất hiện cùng với sự thay đổi trong cách sống đang ngày càng trở nên phổ biến như ung thư, căng thẳng, trầm cảm về thâm thần.Chi phí điều trị trung bình cho một NCT cao gấp 7-8 lần chi phí điều trị cho một đứa trẻ . Độ tuổi càng cao, rủi ro về khuyết tật càng tăng hoặc số ngày năm trên giường bệnh càng cao. Khoảng 23,4 NCT đang gặp khó khăn với các hoạt động thường nhật, trong đó  trên 90% cần người hỗ trợ.

Bà Ritsu Nacken, Phó trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam  cho biết, kết quả điều tra cho thấy tuổi thọ cả nam lẫn nhữ tại Việt Nam đang tăng lên (73 tuổi đối với nữ và 69 tuổi đối với Nam). Tuy nhiên,  tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam lại chưa cao, trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời mình. Con số này cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia đã phát triển.

Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa TW, với việc già hóa dân số, mô hình bệnh tật cũng thay đổi: một mặt người già phải đối phó với các bệnh lây nhiễm, mặt khác phải đương đầu với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư các loại, COPD, thoái khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ…..Đa số các bệnh này ít nhiều liên quan đến lối sống và phải điều trị suốt đời.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh. Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp,phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị do vậy cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi trẻ.

Người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi thường mắc các hội chứng đặc trưng ở người già như hội chứng dễ bị tổn thương (frailty), lú lẫn, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng,trầm cảm, loét, mất nước…đòi hỏi phải được chăm sóc một cách đặc biệt.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, phải tăng cường hơn nữa hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT từ TW đến địa phương; tăng cường và mở rộng các dịch vụ y tế chăm sóc NCT; phát triển các cơ sở chăm sóc tại nhà cho NCT, đào tạo kỹ năng chăm sóc NCT cho tình nguyện viên tại cộng đồng và tuyên truyền cho cộng đồng hiểu và phối hợp với ngành y tế trong việc phòng chống bệnh cho người cao tuổi