Tin tức

HỘI THẢO KẾT NỐI NGÀNH DƯỢC SINH HỌC CỦA VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

19/08/2022 09:13 AM
Ngày 17/8/2022 tại khách sạn Melia Hà Nội, Hội thảo kết nối ngành dược sinh học của Việt Nam với thế giới do Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm) phối hợp cùng Ông Joseph Damond và cộng sự tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, Hiệp hội các doanh nghiệp Dược Việt Nam, đại diện của Pharma Groups, Green Pharma, và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam.
 
 
Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Công nghệ dược sinh học là lĩnh vực tương đối mới, đang phát triển trở thành một công cụ quan trọng trong nghiên cứu và là xu hướng của ngành dược phẩm trên thế giới. Phần lớn các loại thuốc điều trị quan trọng trên thị trường hiện tại có nguồn gốc sinh học như các loại kháng thể, hormone hay vắc xin. Trong phần trình bày tại Hội thảo, Ông Joseph Damond chia sẻ: "Ngành Dược sinh học sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế hàng đầu của thế kỷ 21. Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành một nước dẫn đầu thế giới trong ngành Dược sinh học toàn cầu".
 
Bên cạnh việc đánh giá các tiềm năng của ngành sinh dược học, Ông Joseph Damond cũng đưa ra những khuyến nghị mà Việt Nam có thể triển khai ngay trong những năm tới để kết nối, tìm kiếm đối tác và xây dựng vị thế của Việt Nam trong ngành Dược sinh học toàn cầu.
 
 
Ông Joseph Damond trình bày tham luận tại Hội thảo
 
Ông Joseph Damond từng giữ chức vụ Phó Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (phía Hoa Kỳ). Ông từng là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Dược phẩm và các nhà sản xuất Hoa Kỳ, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của hãng dược phẩm Pfizer tại Washington, Phó Giám đốc chính sách và Phó Chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề quốc tế tại Tổ chức công nghiệp công nghệ sinh học (BIO); Đồng thời là người khởi xướng và là Giám đốc điều hành đầu tiên của Hôi đồng công nghệ sinh học Quốc tế được thành lập năm 2014.
 
Ngoài các bài tham luận của Ông Joseph Damond, bài phát biểu của Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Vinapharm về cơ hội để các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận và hội nhập với ngành dược sinh học thế giới, bài giới thiệu thông tin chung về Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam do Ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội trình bày, Hội thảo cũng đã được lắng nghe các phần tham luận hết sức có ý nghĩa từ các đại diện từ Pharma Groups, Green Pharma về hiện thực hóa tiềm năng của ngành dược phẩm phát minh tại Việt Nam cũng như cơ hội phát triển chuỗi cung ứng dược phẩm tại Việt Nam.
 
 
Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP 
 
 
Ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam
 
 
Ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group 
 
 
Ông Jason Poh - đại diện của Green Pharma
 
Hội thảo cũng được lắng nghe Ông Nguyễn Thế Hùng - Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật - Bộ Khoa học Công nghệ giới thiệu việc tiếp cận các chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ ngành Dược ở Việt Nam.
 
 
TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật - Bộ Khoa học Công nghệ
 
Sau phần tham luận, Hội thảo tiếp tục với phần thảo luận sôi nổi và giải đáp một số vấn đề liên quan đến ngành sinh dược học và việc định hướng, phát triển ngành sinh dược học tại Việt Nam.
 
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm theo công nghệ hóa dược - thực hiện nghiên cứu phát triển sản phẩm dược từ các hợp chất hóa học và hóa tổng hợp. Do vậy, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn, thậm chí phải cạnh tranh khốc liệt về giá. Trong khi đó, việc nghiên cứu sản xuất và thu hoạt chất dược từ chiết xuất hoặc cải biến các hệ thống sống (động vật, thực vật và vi sinh vật) hay còn gọi là dược sinh học chưa thực sự phát triển tại Việt Nam vì nhiều nguyên nhân. Tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có 14 doanh nghiệp/đơn vị trong nước sản xuất các sản phẩm dược sinh học (bao gồm Vắc xin và sinh phẩm), trong đó có 02 doanh nghiệp thành viên của Vinapharm là Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM và Công ty cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar. Tổng số các sản phẩm dược sinh học (bao gồm vắc xin, sinh phẩm) có giấy đăng ký lưu hành (GĐKLH) đang còn hiệu lực tại Việt Nam: 436 thuốc, trong đó: Sản xuất trong nước: 56 thuốc (chiếm tỷ lệ 13%) và sản xuất nước ngoài là: 380 thuốc (chiếm tỷ lệ 87%). Trong 56 sản phẩm sản xuất trong nước, có 31 sản phẩm là men vi sinh (chiếm 55,36%); 11 sản phẩm sản xuất từ protein và protein tổng hợp (chiếm 19,64%), 10 sản phẩm là vắc xin (chiếm 17,86%), 4 sản phẩm từ huyết thanh (chiếm 7,14%).
 
Hội thảo này chính là cơ hội để các doanh nghiệp Dược trong nước được tiếp cận thông tin chuyên sâu về lĩnh vực dược sinh học, gợi mở ra các kế hoạch phát triển mới cho doanh nghiệp và từng bước hội nhập với ngành dược sinh học của thế giới trong sự dẫn dắt, hỗ trợ từ cơ quan quản lý bộ ngành trong nước và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
 
 
Toàn cảnh hội thảo 
 
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm