Tin tức

Bộ Y tế làm việc với các tổ chức quốc tế, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam (Ngày 05/04/2021)

05/04/2021 02:24 PM
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước; tăng cường đàm phán với nước ngoài; Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine
 

Tiếp nối các cuộc gặp với đại diện ngoại giao các nước trong ngày 31/3, ngày 1/4 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dành thời gian tiếp và làm việc với các ngài Đại sứ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng tiếp và làm việc với tổ chức quốc tế tại Việt Nam gồm: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNPFA).

 

Tại các cuộc tiếp và làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trân trọng gửi lời cảm ơn đối với những hỗ trợ và hợp tác của EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, WHO; UNICEF và UNFPA đã dành cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói riêng thời gian qua.

 

 

 

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi tiếp các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam

 

Trong cuộc tiếp và làm việc với bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO, bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNPFA, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, vaccine COVID-19 là một trong những ưu tiên của mọi quốc gia hiện nay. Tại Việt Nam, song song với những biện pháp nỗ lực kiểm soát dịch, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt với vấn đề vaccine phòng COVID-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục nền kinh tế.

 

Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, Việt Nam đang tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vaccine.

 

Tuy nhiên so với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vaccine khá lớn, do vậy Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức, trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine phòng COVID-19.

 

 

Bày tỏ lời cảm ơn về lô vaccine COVID-19 hơn 811.000 liều đầu tiên của COVAX Facility đã về Việt Nam ngày 01/4/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh cần có một thông báo chung giữa các tổ chức của Liên Hợp quốc (UN) tại Việt Nam, đặc biệt là WHO, UNICEF và Bộ Y tế về tính an toàn, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19, cũng như về công tác tiêm chủng an toàn của Việt Nam.
 
 
 
 
Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO,
bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNPFA trong buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế Ảnh:Trần Minh
 

 

"Chúng tôi đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo tiêm chủng an toàn vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Chúng tôi cũng vui mừng thông báo, đến nay trên 50.000 người thuộc đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 đều được tiêm chủng an toàn. Có một số người có phản ứng nặng sau tiêm, tuy nhiên hệ thống y tế của Việt Nam đã xử lý rất hiệu quả và các trường hợp này đều đã bình phục"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

 

Bộ trưởng mong muốn phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng triển khai các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề tiêm chủng vaccine. Có như vậy mới tăng tốc được kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam.

 

"Chúng tôi bày tỏ niềm vui mừng khi được biết sẽ có thêm khoảng 4,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 nữa sẽ về đến Việt Nam trong tháng 5/2021. Số liều vaccine còn lại, chúng tôi rất mong các tổ chức thuộc UN thúc đẩy để có lộ trình cung ứng phù hợp, ưu tiên trong năm 2021 để có thể bao phủ được tỷ lệ tiêm vaccine tới đông đảo người dân. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong năm 2021"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

 

 

Các vấn đề liên quan đến dây chuyền lạnh bảo quản vaccine COVID-19 và tăng cường hỗ trợ về chuyên môn tiêm chủng cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bàn thảo tại buổi tiếp và làm việc.
 
 
 
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo một số Vụ/Cục/Viện trực thuộc Bộ Y tế chụp ảnh
lưu niệm cùng đại diện các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam chiều ngày 1/4 tại Bộ Y tế Ảnh:Trần Minh
 

 

"Chúng tôi cho rằng việc có vaccine COVID-19 đã quan trọng nhưng việc tổ chức tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng không kém phần quan trọng. Chúng tôi mong muốn có những hỗ trợ về tăng cường năng lực, tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng hiệu quả"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

 

Tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn phía EU vì đã có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, trong khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã nhận được những hỗ trợ của EU qua cơ chế COVAX, WHO và nhiều tổ chức khác.

 

Bộ trưởng đề nghị ngài Đại sứ và phía EU quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các chính sách tiếp cận nguồn vaccine của châu Âu, không chỉ qua cơ chế COVAX mà còn từ nguồn trực tiếp hay các chương trình khác; đồng thời có những hỗ trợ giúp tăng cường năng lực, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 thành công.

 

Ngài Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti thông tin, EU đã đóng góp trên 2,5 tỷ USD Mỹ vào cơ chế COVAX với mục tiêu mang vaccine đến cho càng nhiều người càng tốt. Ông vui mừng khi Việt Nam đã nhận được hơn 810.000 liều vaccine đầu tiên qua cơ chế COVAX.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đồng tình quan điểm hỗ trợ vaccine của COVAX và khẳng định sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP đảm bảo công bằng, hiệu quả.

 

 

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu Giorgio Aliberti tại buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế Ảnh:Chí Cường

 

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp, hãng dược phẩm, trang thiết bị y tế của châu Âu sẽ đầu tư, sản xuất tại Việt Nam bởi với dân số đứng thứ 15 thế giới, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng để đầu tư.

 

Tiếp ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Hoa Kỳ đã có nhiều hỗ trợ cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.

 

Trong đại dịch COVID-19, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong trao đổi, chia sẻ. Bộ trưởng trân trọng cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã gửi 100 máy thở giúp Việt Nam trong thời điểm hết sức khó khăn.


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Astralia có thể hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tin vui đối với các nước trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chúc mừng Hoa Kỳ đã có những công ty sản xuất thành công vaccine COVID-19 như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson... và tổ chức chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trên thế giới khi trong thời gian ngắn đã tiêm hơn 220 triệu liều cho người.

 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vaccine của Hoa Kỳ; đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vaccine sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson.
 
 
 
 
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink tại buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế Ảnh:Chí Cường
 

 

Đánh giá công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Hoa Kỳ là bài học quý báu với nhiều nước trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vaccine thành công.

 

Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Y tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây với Hoa Kỳ. Theo ông, hợp tác y tế giữa hai nước là bộ phận tích cực, quan trọng trong mối quan hệ song phương. Đồng thời, ngài Đại sứ bày tỏ cảm ơn Việt Nam trong thời điểm khó khăn đã gửi tặng thiết bị bảo hộ y tế, giúp cứu sống nhiều người dân Hoa Kỳ.

 

Về những đề nghị của phía Bộ Y tế Việt Nam, hai bên thống nhất sẽ thiết lập nhóm công tác tạm thời trong tiếp cận và hỗ trợ vaccine COVID-19.

 

Tại cuộc tiếp và làm việc với ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty ở Nhật Bản cũng đang phát triển các vaccine với những tín hiệu khả quan, cùng với nguồn cung vaccine ở Nhật Bản dồi dào, Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ nguồn vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam;

 

Đồng thời phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vaccine ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ để sản xuất và thử nghiệm vaccine ở Việt Nam.

 

 

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản có hỗ trợ giúp hệ thống dây chuyền tiêm chủng mở rộng thời gian tới để giúp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp vắc xin cho người dân. Đây là hoạt động lớn, đòi hỏi sự đầu tư, năng lực cho cả hệ thống y tế để đáp ứng yêu cầu này.
 
 
 
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio tại buổi tiếp và làm việc tại Bộ Y tế Ảnh:Chí Cường
 

 

Tại cuộc tiếp và làm việc, ngài Đại sứ Yamada Takio cho hay: Hiện Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đã có những hỗ trợ trong phòng, chống COVID-19.

 

Ngài Yamada thông tin, tại cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Suga Yoshihide hôm 22/3/2021, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khoản trị giá 220 triệu Yen.

 

Đại sứ cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu các khả năng hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đối với khoản hỗ trợ trị giá 220 triệu Yen của Nhật Bản, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị COVID-19 và một số cơ sở y tế khó khăn. Bộ trưởng cho biết các cơ sở hiện rất mong muốn sớm có trang thiết bị này.

 

Đại diện các tổ chức quốc tế và các ngài Đại sứ đều gửi lời chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19 thời gian qua. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink khẳng định: "Việt Nam là nước chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới"./.

 

Theo MOH - Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế