Tin tức

VINAPHARM - 40 năm xây dựng và phát triển

03/10/2012 03:03 PM
Được thành lập giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi vào giai đoạn quyết liệt, Tổng công ty Dược duy trì hoạt động nhịp nhàng của các công ty, xí nghiệp và xây dựng được mạng lưới hiệu thuốc, quầy thuốc đến tận y tế cơ sở. Trong khói lửa của chiến tranh, giữa lúc địch bắn phá dữ dội và phong toả cảng Hải Phòng, Tổng Công ty tiếp nhận an toàn hàng chục nghìn tấn thuốc men hàng hoá viện trợ. Ngoài việc phục vụ cán bộ và nhân dân miền Bắc, Tổng công ty đã chi viện tích cực cho chiến trường miền Nam. Hằng năm đơn vị đã đóng gói và vận chuyển 600 đến 700 tấn thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho lực lượng chiến đấu của quân và dân miền Nam. Khi miền Nam được giải phóng, Tổng Công ty Dược đã tham gia tiếp quản các cơ sở y dược phía Nam, quy hoạch lại hơn một trăm cơ sở bào chế, sản xuất thành hơn mười xí nghiệp. Thời kỳ này sản xuất liên tục tăng cao về sản lượng và giá trị, hàng tỷ viên nén và hàng trăm triệu ống tiêm được sản xuất; dược liệu phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dược liệu làm nguyên liệu cho sản xuất ngày càng cao, nhiều cây thuốc quý được di thực và tạo nhu cầu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu như: Sinh địa, Bạch chỉ, Xuyên khung, Ngưu tất, Bạc hà, Tràm...  Nhờ có được sự chủ động tinh dầu Bạc hà, Tinh dầu Tràm Tổng Công ty Dược đã sản xuất thành công các loại cao xoa như: Sao vàng, Ba Đình, … mỗi năm xuất khẩu hơn 100 triệu hộp cho Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu khác.

Đất nước ngày càng phát triển, mô hình Tổng công ty dược cũng đã xuất hiện nhiều bất cập, không còn phù hợp, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Nghị Định 79-HĐBT ngày 04/5/1982 về việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế. Để thực hiện sứ mạng trọng trách của mình, Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam đã xây dựng chiến lược ngành dược theo các phương châm: Lấy sản xuất là chính, trong đó sản xuất thuốc thành phẩm được đặt lên hàng đầu, chủ yếu là các thuốc generic, sau đó là các thuốc nhượng quyền và các thuốc từ dược liệu. Lấy dược liệu làm nền tảng: phát huy thế mạnh dược liệu trong nước, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Lấy nghiên cứu khoa học làm mũi nhọn: các đơn vị ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và khai thác ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Lấy xuất nhập khẩu làm động lực: xuất khẩu những dược liệu thế mạnh, các lọai tinh dầu kể cả các thành phẩm độc đáo, tạo ngoại tệ cho nhập khẩu. Nhờ đó, các đơn vị sản xuất đã tự tháo gỡ một phần khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm mặt hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động, tình trạng khan hiếm thuốc đã phần nào được cải thiện đáng kể góp phần cung ứng đủ thuốc thiết yếu cho nhân dân.

Thực hiện Quyết định số 90/TTg ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế có quyết định thành lập Tổng Công ty Dược Việt Nam kế thừa tổ chức, bộ máy, con người và cơ sở vật chất của Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã được giao triển khai ngay Dự án “Quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển ngành Dược Việt Nam từ năm 1996 - 2010” với 11 chuyên đề. Trong giai đoạn này, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp có vốn góp hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như các nghĩa vụ đối với nhà nước, tạo việc làm cho gần mười nghìn người lao động, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tổng công ty đã tích cực giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm, mức tăng trưởng bình quân về doanh thu đạt từ 15 – 18%. Từ năm 2003 trở đi, một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa  có mức tăng trưởng mạnh về sản xuất, doanh thu sản xuất của các doanh nghiệp này chiếm 60% doanh thu sản xuất của toàn bộ Tổng Công ty.

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Tổng Công ty Dược Việt Nam đã hoàn thành là thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá thuốc, dự trữ thuốc quốc gia. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục triển khai các giải pháp cơ bản để bình ổn giá thuốc như: đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cơ cấu, chủng loại, số lượng và chất lượng thuốc, đáp ứng cân đối cung cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, tăng cường công tác quản lý, tiết kiệm chi phí lưu thông, bảo đảm đủ thuốc chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh.

Đến ngày 30- 6- 2010 việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Tổng Công ty Dược Việt Nam đã chính thức hoàn thành. Tổng Công ty Dược Việt Nam chuyển thành Công ty TNHH một thành viên  do nhà nước làm chủ sở hữu theo hình thức công ty mẹ  - công ty con, mở ra một bước phát triển mới với nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức.

Trong suốt quá trình chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, Tổng Công ty vẫn giữ vững phương châm: Lấy nghiên cứu khoa học làm mũi nhọn; không ngừng đề cao chất lượng, coi chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Ngay từ  khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và sau đó liên tục các tiêu chuẩn thực hành tốt (GP’s)  khác được ban hành, Tổng Công ty đã chỉ đạo tất cả các đơn vị tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà xưởng, kho tàng, đổi mới công nghệ, máy thiết bị hiện đại để bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm của từng đơn vị trên thị trường. Đến nay tất cả các đơn vị trong Tổng Công ty đã hoàn thành kế hoạch xây dựng đạt GP’s được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận.

Để từng bước vươn lên, làm chủ thị trường trong nước, ngành dược Việt Nam nói chung và các đơn vị thành viên Tổng công ty dược nói riêng còn bộc lộ nhiều hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, cho nên tính cạnh tranh và sức khai thác các thị trường chưa cao; chưa hình thành được hệ thống phân phối có tính chuyên nghiệp như các tập đoàn nước ngoài, nhất là chưa có nhiều sản phẩm chuyên khoa đặc trị với hàm lượng công nghệ cao... Đặc biệt, khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường đã mở rộng, không chỉ cho các doanh nghiệp Dược Việt Nam mà còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia hoạt động trong khi các doanh nghiệp này có lợi thế cạnh tranh rất lớn về sản phẩm, Ma-ket-ting cũng như tiềm lực tài chính mạnh. Nếu doanh nghiệp trong nước không có giải pháp đúng đắn sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

Trong thời gian tới, Tổng Công ty Dược Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, phấn đấu để trở thành doanh nghiệp hàng đầu về phân phối dược phẩm. Từng bước trở thành tập đoàn đầu tư kinh doanh phân phối dược phẩm với trình độ công nghệ cao và có thương hiệu nổi tiếng trong nước nằm trong nhóm các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Tổng Công ty đã và đang thực hiện chiến lược đầu tư phù hợp dần tiến tới trực tiếp kinh doanh một số nhóm mặt hàng chủ yếu. Tổng Công ty tiếp tục đầu tư mới các doanh nghiệp Dược; đầu tư nhà máy liên doanh sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc thành phẩm với mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; đầu tư góp vốn xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng, từng bước xây dựng hệ thống, màng lưới phân phối của Công ty Mẹ. Cùng các đơn vị thành viên nhanh chóng tiếp cận các công nghệ hiện đại, công nghệ mũi nhọn đương thời (công nghệ nano, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sinh học ...); Đồng thời giúp cho các đơn vị thành viên  đầu tư các Dự án, xây dựng nhà máy chiết xuất công nghệ mới, nhà máy sản xuất bao bì, nhà máy sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng ... Đầu tư cho khoa học công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Công ty Dược Việt Nam và các đơn vị thành viên đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen do Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Y tế trao tặng.

Vinapharm