Tin tức
Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế tại Phần Lan
15/12/2024 06:25 PM
Trong chuyến công tác của Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Vinapharm) đã tham gia đoàn công tác do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Việt Nam và Phần Lan có truyền thống hợp tác lâu năm. Trong chuyến thăm lần này đến Phần Lan, Bộ Y tế muốn được trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Phần Lan về hệ thống y tế Phần Lan. Theo Thứ trưởng 5 mục tiêu cần tìm hiểu của đoàn là: Cải cách và tinh gọn hệ thống y tế; Tăng cường chuyển đổi số trong y tế; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Phát triển nguồn nhân sự cho y tế cơ sở; Quản lý, cung ứng và thanh quyết toán thuốc cho tuyến y tế cơ sở. Đáp lại, Bà Marjo Lindgren - Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan khẳng định mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội. Bà chia sẻ: “Phúc lợi và thịnh vượng của người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Phần Lan. Chính vì vậy Chính phủ rất quan tâm tới cấu trúc của hệ thống y tế và hiệu quả của hệ thống này coi đó là một động lực giúp kinh tế phát triển. Trong những năm qua Phần Lan đã thực hiện cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế và phúc lợi xã hội và đạt được nhiều thành tựu, Phần Lan vui mừng được chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các thành viên trong đoàn công tác làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan Marjo Lindgren.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan Marjo Lindgren chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác Bộ Y tế Việt Nam.
Cải cách và tinh gọn hệ thống y tế
Chính phủ Phần Lan đã thực hiện cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế trong giai đoạn từ 2020 – 2023 với mục đích giảm bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, tiết giảm chi phí. Cải cách y tế và phúc lợi xã hội ở Phần Lan phải mất 15 năm, do đó đây không phải là nhiệm vụ ngắn hạn. Hiện tại, Chính phủ Phần Lan tiếp tục xem xét tinh gọn bộ máy hoạt động với phương châm “Tích hợp là chìa khóa của cải cách”, Phần Lan đã tiến hành tích hợp theo cấu trúc (áp dụng một ngân sách, một hệ thống quản lý tại một địa phương; phân bổ nguồn lực theo nhu cầu của người dân) và tích hợp theo chức năng.
Tăng cường chuyển đổi số trong y tế
Phần Lan có nền y tế được số hóa hàng đầu thế giới, được triển khai mạnh mẽ trong gần 3 thập niên qua. Y tế được cá nhân hóa thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe của người dân thông qua nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và nhiều nguồn thông tin hơn. Mục đích là để ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện chẩn đoán mang lại hiệu quả của phương pháp điều trị.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Phần Lan là một trong số những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất tại châu Âu. Đây là vấn đề mà Chính phủ Phần Lan đang rất quan tâm trong bối cảnh dân số trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên ngày càng gia tăng qua các năm. Cụ thể, hệ thống y tế Phần Lan quan tâm việc duy trì khả năng vận động chức năng, sử dụng công nghệ, thúc đẩy hòa nhập của người cao tuổi; tạo ra nhà ở thân thiện, môi trường thân thiện đối với người cao tuổi; hỗ trợ tạo mạng lưới liên kết giữa mọi người; thúc đẩy chất lượng dịch vụ nhờ ứng dụng số hóa và công nghệ. Tại Phần Lan, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ chỉ thông qua một số điện thoại duy nhất và hầu hết các nhu cầu của khách hàng được giải quyết thông qua việc tư vấn.
Phát triển nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
Phần Lan hiện đang trong tình trạng thiếu trầm trọng y tá chính quy và điều dưỡng. Việc thiếu hụt nhân lực ngành y tế gây nhiều trở ngại cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu vùng xa.
Để khắc phục tình trạng này cũng như dần thu hẹp khoảng cách trong tất cả các lĩnh vực, Phần Lan đang chú trọng đào tạo thêm bác sĩ và điều dưỡng theo chuẩn của EU, duy trì môi trường làm việc lành mạnh cho đội ngũ này. Bà Taina Mäntyranta, cố vấn cao cấp của Bộ Y tế Phần Lan cho biết, nước này cũng mở rộng tuyển dụng điều dưỡng nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Những người này được tạo điều kiện học tập lấy chứng chỉ hành nghề của Phần Lan và học tiếng Phần Lan.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu
Ông Andres Mickos, chuyên gia về chăm sóc sức khỏe ban đầu thuộc Bệnh viện Đại học Helsinki cho biết chăm sóc sức khỏe ban đầu là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế Phần Lan và được quy định trong luật pháp từ năm 1972, bắt buộc các đô thị phải có trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Từ năm 2023, với việc áp dụng mô hình 21+1+1 trên toàn bộ đất nước, các trung tâm y tế ở 21 vùng này vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu vừa làm chuyên khoa. Các chương trình này được Chính phủ tài trợ. Từ năm 1972, các khu vực có trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu có trách nhiệm thực hiện các công việc như: Tư vấn sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật; Dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, tiêm chủng, sàng lọc một số bệnh… Ông Andres Mickos nhấn mạnh đa chuyên môn là thế mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của Phần Lan. Nhiều căn bệnh được điều trị thông qua sự hợp tác đa chuyên môn. Nhiều trường hợp được giải quyết bằng việc tư vấn mà không cần gặp trực tiếp bác sĩ.
Chia sẻ của Cơ quan dược phẩm Phần Lan (Fimea)
Cơ quan Dược phẩm Phần Lan (Fimea) là cơ quan quản lý và cấp phép trong lĩnh vực dược phẩm, thuộc Bộ Xã hội và Y tế Phần Lan và là một phần của mạng lưới Quản lý Dược phẩm Châu Âu, với sứ mệnh giám sát và phát triển lĩnh vực dược phẩm, thúc đẩy việc sử dụng dược phẩm hợp lý nhằm nâng cao sức khỏe người dân. Fimea chịu trách nhiệm quản lý thuốc, thiết bị y tế, sản phẩm máu và mô, đồng thời phát triển lĩnh vực dược phẩm. Bên cạnh đó Fimea thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phổ biến thông tin về thuốc nhằm nâng cao hiệu quả của dịch vụ dược phẩm và liệu pháp điều trị bằng thuốc.
Bà Anna Siira, Giám đốc Fimea, chia sẻ: “Có khoảng 32.000 số đăng ký thuốc được xử lý tại Fimea hàng năm, trong đó có khoảng 11.500 số đăng ký còn hiệu lực tại Phần Lan. Trong năm 2023, Fimea đã thực hiện 195 cuộc kiểm tra liên quan đến lĩnh vực dược phẩm, dịch vụ xét nghiệm máu, cơ sở lưu trữ mô, ngân hàng sinh học và giám sát thiết bị y tế và đã xử lý khoảng 460 trường hợp sản phẩm thuốc lỗi. Số liệu năm 2023 cũng ghi nhận Fimea đã cấp khoảng 1.300 giấy phép nhập khẩu và xuất khẩu thuốc gây nghiện, khoảng 2.000 giấy phép hoặc quyết định hành chính và 114 giấy phép đã được cấp cho các nhà thuốc. Chi phí hoạt động hàng năm của Fimea ước tính khoảng 32 triệu EUR, trong đó 5 triệu EUR được tài trợ từ ngân sách, còn lại đến từ doanh thu của các dịch vụ có thu phí.”
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đại diện đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam chia sẻ về một số nhiệm vụ tương đồng trong cải cách hệ thống y tế Việt Nam là đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cũng chú trọng cải cách khối bệnh viện (chuyển đổi từ quản lý theo 4 cấp hành chính sang 3 tuyến chuyên môn, kỹ thuật; tập trung vào nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành) và chú trọng cải cách tài chính y tế ở cả 3 khía cạnh là huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính cho y tế.
Trong chuyến công tác, đoàn đại biểu Bộ Y tế và lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam đã tới thăm Làng chăm sóc trẻ em khuyết tật Sofiakyla và Trung tâm chăm sóc người cao tuổi HoviCare tại thành phố Nokia, Phần Lan.
Bà Hàn Thị Khánh Vinh - Tổng Giám đốc cùng Đoàn công tác Bộ Y tế thăm làng Sofiakyla – nơi chăm sóc trẻ khuyết tật.
Với các nội dung làm việc với Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan, có thể thấy chuyển đổi số trong ngành y tế được lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam rất quan tâm, tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình triển khai tại các nước phát triển để sớm hiện thực hóa Đề án chuyển đổi số ngành theo chủ trương của Chính phủ với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả, công bằng cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Qua chuyến công tác, Vinapharm đã học hỏi được một số kinh nghiệm hay để có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi số đang được tích cực triển khai tại Vinapharm và các công ty con của Vinapharm. Ứng dụng công nghệ số mang đến sự thay đổi to lớn trong quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Đảm bảo sự minh bạch trong hệ thống quản trị, tối ưu hóa năng suất làm việc, tự động hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị rủi ro và lưu trữ thông tin doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số ngày càng gia tăng và là một vấn đề cần được chú trọng quan tâm ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Do vậy, nhu cầu về các dịch vụ cũng như các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ tăng cao. Những chia sẻ của Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Phần Lan sẽ là cơ sở dữ liệu để Vinapharm đánh giá, xem xét cơ cấu sản phẩm, dịch vụ kinh doanh phù hợp với xu thế chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam trong tương lai.